Kết quả Trận_Leipzig

Napoléon rút lui vào ngày 19 tháng 10. Trong hình là vụ nổ cầu.
Nhờ vào tài ngoại giao của Metternich, bộ não của Radetzky và tài cầm binh của Schwarzenberg - đương nhiên là, không thể quên lòng quả cảm tuyệt vời của những người lính Nga, Phổ và Áo - Napoléon giờ đây đã bị đánh bại tại Leipzig, phải tháo chạy khỏi nước Đức và bị buộc phải thoái ngôi sau khi quân đồng minh chiếm lấy thành Paris.
— Alan Sked, trong cuốn Radetzky: Imperial Victor and Military Genius[61]

Kết thúc thắng lợi cuộc Chiến tranh Giải phóng Đức, đây được xem là trận đánh quan trọng nhất thời kỳ Napoléon, cùng với trận đánh nổi tiếng tại Waterloo gắn liền với sự thất bại triệt để của ông.[12][19] Thảm bại Leipzig của Napoléon được xem là trận thắng lớn đầu tiên của phe Đồng minh,[62] là sự nối tiếp của chiến thắng bằng cái giá đắt của ông trong trận Borodino (1812) nói riêng và thất bại của ông trong cuộc xâm lược nước Nga nói chung, thể hiện những hạn chế của tài năng của ông.[16][22] Thất bại nặng nề này trở nên một bước ngoặt của Vương triều nhà Bonaparte trong lịch sử Pháp, và cũng là một điểm ngoặt trong lịch sử thế giới[14][19]. Thương vong của cả hai bên đều cao đến đáng ngạc nhiên; tổng cộng khoảng 8 vạn đến 11 vạn người chết và bị thương. Napoléon mất 38.000 quân do tử trận hoặc bị thương. Liên quân cũng bắt giữ 15.000 quân còn khỏe mạnh, 21.000 quân bị thương hoặc bệnh tật, thu về 325 súng đại bác và 28 cờ hiệu. Ngoài ra họ còn thu nạp thêm số quân Sachsen, như đã nói ở trên. Józef Antoni Poniatowski, vị thống chế mới được phong chức ngày hôm qua, và cũng là cháu của vị vua Ba Lan cuối cùng là Stanisław August Poniatowski, bị chết đuối khi vượt sông. Mất Poniatowski chính là sự mất mát đau đớn nhất của Napoléon trong trận thảm bại này. Poniatowski bản chất vốn nồng nhiệt trung thành với ông, là đại diện cho lòng yêu mến của người Ba Lan đối với vị Hoàng đế nước Pháp.[10] Hai tướng chỉ huy quân đoàn của Pháp là Lauriston và Reynier bị bắt sống. 15 tướng Pháp tử trận và 51 người bị thương. Chưa kể, Hoàng đế Pháp cũng phải từ bỏ đến hơn 300 hỏa pháo, cùng với phần lớn phương tiện vận tải và tiếp tế của ông.[55] Thiệt hại nặng nề của hai phe trong trận chiến tại Leipzig đã chứng tỏ sự quay trở về của chiến tranh tiêu hao trong các trận đánh của Napoléon. Trong vòng 14 ngày sau trận chiến này, Blücher đã không ngừng truy kích địch thủ và bắt được hàng nghìn tù binh;[63] những mất mát dọc đường của đoàn quân rệu rã trong cuộc tháo chạy về hướng Tây khiến Napoléon chỉ còn có 6 vạn quân khi về tới kinh đô Paris.[3][46][64][65][66] Chính vụ nổ cầu khi quân Pháp tháo chạy sau cuộc bại trận tại Leipzig là một trong những nguyên nhân mang lại tổn thất kinh hoàng cho họ trong cuộc chiến này.[24] Đối với nước Pháp, trận thảm bại tại Leipzig có lẽ là ghê gớm hơn tất cả mọi thảm kịch khác của ông dưới sự thống trị của Napoléon, với tính chất quyết định và báo hiệu cho sự mất ngôi lần thứ nhất của Napoléon.[4][10][66] Trong suốt cả sự nghiệp chinh chiến của mình, vị Hoàng đế nước Pháp chưa bao giờ bị thua một trận cay đắng như thế.[16]

Trận Leipzig được xem là một cơn bão đạn thật sự: Pháo binh Pháp đã nã đến 20 vạn phát pháo và quân Đồng minh cũng đáp trả họ từng phát đạn một.[62] Quân Đồng minh đã áp dụng chiến thuật của Napoléon: họ tập trung hỏa lực vào một khu vực trọng yếu để ngăn ngừa cuộc tàn sát của đối phương.[64] Sau thắng lợi lớn tại Leipzig, do có công về mặt ngoại giao nên Metternich được Triều đình Áo phong làm Vương tước, và ban tặng Đại Thập tự của Huy chương Maria Theresia. Nhờ ông, xứ Bayern đã rời bỏ Napoléon.[30] Quân sĩ Áo cũng đóng vai trò hệ trọng cho chiến thắng nổi bật của khối Liên minh trong trận đánh Leipzig này.[19][29] Trong toàn thể lực lượng đồng minh, quân Kỵ binh đã góp phần không nhỏ với chiến thắng oanh liệt tại Leipzig, làm tiêu tan ước vọng chiến thắng cuối cùng của Đế chế Pháp.[67]

Với thắng lợi này, khối Liên minh đã xua tan cái vết chiến bại tại trận Dresden vừa qua.[29] Trận đánh này có số lượng tổn thất lớn hơn tất cả những trận chiến trước đó.[68] Phe Liên quân mất mát khoảng 54.000 binh lính trên tổng số 362.000 quân. Binh đoàn của Schwarzenberg tổn thất 34.000 binh lính, Binh đoàn của Blücher tổn thất 12.000 binh lính, còn Binh đoàn của Thái tử Thụy Điển và Bennigsen đều mất 4.000 quân sĩ. Trong số các liệt sĩ này có cả một cảnh sát chuyên cần là Friedrich Wagner, anh đã hy sinh để lại người vợ góa và một đứa con mới sáu tháng tuổi tên là Richard.[55] Bản thân Tham mưu trưởng Radetzky của Áo (khi ấy đã 46 tuổi[69]) cũng bị thương.[30] Trên cương vị là Tham mưu trưởng của Schwarzenberg, ông được xem là có đóng góp xuất sắc[70], tham gia lập kế hoạch góp phần không nhỏ đến đại thắng của quân Đồng minh trong trận Leipzig.[71] Đây được xem là chiến tích đỉnh cao của ông và nâng cao tiếng tăm của vị tướng này.[72][73] Kế hoạch Trachenberg trước đó của ông cũng được xem là thúc đẩy sự giải phóng nước Đức khỏi tay Napoléon sau trận Leipzig.[69] Sau trận chiến này, Franz I đã dự đoán rằng một ngày nào đó Radetzky sẽ được ban tặng Đại Thập tự của Huy chương Maria Theresia, và quả nhiên, vào ngày 30 tháng 7 năm 1848, do thắng lợi của ông trong cuộc Chiến tranh giành độc lập Ý lần thứ nhất, tiên đoán ấy đã thành hiện thực.[74] Đến cả Tướng August Neidhardt von Gneisenau của Phổ - Tham mưu trưởng của Blücher trong trận đánh này[75] - là người nổi tiếng lạnh lùng, mà cũng phải rơi nước mắt khi ông cùng Đại úy Stosch dạo trên bãi chiến trường Möckern (nơi Yorck chiếm lĩnh vào ngày 16 tháng 10) vào ngày 19 tháng 10 năm 1813 - gần như là dạo trên những thi thể liệt sĩ của Binh đoàn Silesia. Khuôn mặt ông trở nên trịnh trọng, và nói: "Chiến thắng được mua với máu của người Đức trở thành cái giá rất đắt, cái giá hết sức là đắt". Do có công trong chiến dịch Leipzig, Gneisenau được phong làm Bá tước.[76] Con số thiệt hại của liên quân cũng không phải là nhỏ, chưa kể 5.000 quân Liên minh còn đào ngũ sang phe Pháp trong trận chiến, nhưng chiến thắng của họ thực sự là có ý nghĩa quan trọng.[55] Vả lại, việc bù đắp lại không khó khăn mấy cho họ, xét tới khả năng kinh tế và nhân lực của Liên minh ở thời điểm đó. Về thất bại thê lương[77] của Napoléon ở Leipzig, chính ông cho rằng nếu phía Pháp có thêm 3 vạn pháo binh thì họ sẽ giành chiến thắng.[78] George Nafziger trong cuốn Napoleon at Leipzig cho rằng cả hai phía đều không tác chiến một cách hoàn hảo, nhưng Napoléon thất bại vì đã không có phương án để chủ động tấn công từng đạo quân riêng rẽ trong liên quân, mà co cụm lại phòng thủ ở Leipzig.[78] Với thất bại hoàn toàn của ông trong việc tấn công từng đối phương một, cuộc bại trận ở Leipzig đã ghi dấu sự sa ngã của ông với tư cách là một chủ tướng.[24] Theo Hofschröer, đây là một thất bại chiến thuật có thể được coi là "vô đối", là thất bại mang tính hủy diệt hơn cả[18] trong sự nghiệp của Napoléon. Thua tan nát, nỗi nhục thất bại được thể hiện ngay trên mặt của Napoléon trên đường rút quân, báo hiệu cho sự sụp đổ hoàn toàn của nền Đế chế thứ nhất Pháp.[17][65] Hình ảnh một Napoléon bất khả chiến bại đã hoàn toàn tan biến.[9]

Đây được xem là trận đánh lớn nhất trong suốt các cuộc chiến tranh của Napoléon[65] và cả thế kỷ 19, với số lượng dân tộc tham gia đông đảo. Quy mô của nó còn to lớn hơn cả những trận đánh đẫm máu trong cuộc Nội chiến Hoa Kỳ.[1] Thậm chí, đây có thể được xem là cuộc giao tranh đẫm máu nhất trong lịch sử châu Âu nói riêng và lịch sử nhân loại nói chung cho đến thời điểm đó. Dù chưa thể chấm dứt các cuộc chiến tranh của ông,[32] trận Leipzig được xem như chiến thắng có ý nghĩa quyết định trong việc buộc Napoléon rời bỏ ngai vàng. Nhà lý luận quân sự người Anh John Frederick Charles Fuller cho rằng tên gọi "Trận Liên Quốc gia" là hợp lý vì sau trận chiến Leipzig, một châu Âu mới đã được hình thành.[79] Dù vậy, theo tác giả A. J. P. Taylor trong cuốn The Course of German History thì trận đánh giải phóng nước Đức không phải là của các quốc gia mà là của các lực lượng quân đội nhà nghề và lính nghĩa vụ.[80] Chiến thắng lừng lẫy này đã đi vào huyền thoại trong cuộc Chiến tranh Giải phóng Đức.[55] Bất chấp những khó khăn của họ,[21] các Binh đoàn Phổ được xem là có công lao to lớn cho thắng lợi lớn và đã thể hiện rõ rệt sự thiện chiến của mình, cùng với lòng yêu nước dâng trào của dân tộc Đức[17]. Đại thắng Leipzig còn được xem là thành quả của quá trình canh tân quân lực Phổ trong suốt thời gian từ sau năm 1806 cho tới năm 1813, trong khi thắng lợi quan trọng này cũng tạo điều kiện cho Phổ chiếm được một lãnh thổ rộng lớn của Sachsen, khiến cho Leipzig bỗng dưng trở thành nơi biên cương.[20][81] Chính quân đội dưới quyền Thống chế Blücher đã tiên phong chọc thủng hàng ngũ đối phương trong cái ngày quyết định của chiến thắng vang dội.[12] Đối với ông, trận thắng ở Leipzig là một trong những niềm vinh hạnh to tát hơn cả của ông.[60] Đại thắng này, kết hợp với chiến thắng sông Katzbach trước đó, đã lấy lại vinh dự cho lực lượng Quân đội Phổ, kể từ khi họ bị quân xâm lăng Pháp đánh bại trong trận Jena và trận Auerstädt vào năm 1806, đồng thời đã đi vào ký ức về những thắng lợi quân sự vốn gắn liền với nước Phổ[20][82]. Bản thân vị tướng thắng trận Blücher cũng được xem là một bậc công thần hàng đầu của cuộc cải cách quân đội Phổ.[83] Sự kiên cường mạnh mẽ của ông không những đã đem lại cho ông chiến thắng ở trận Leipzig, mà còn ở trận La Rothièretrận Laon[84]. Đồng thời, các quân đội thắng trận Leipzig khác là Nga và Áo cũng đã từng được canh tân ở một mức độ thấp hơn.[23] Theo ghi nhận của Charles Esdaile, "Tại Jena và Auerstadt quân đội Phổ đã chiến đấu khá tốt, nhưng hầu như không thể hiện sự hào hùng. Tại Leipzig và Waterloo, ngược lại, người ta nói rằng một cảnh tượng khác hoàn toàn đã hiện lên."[21] Giờ đây, các nhà yêu nước Đức đã trở nên mãnh liệt hơn, mừng rỡ hân hoan chiến thắng đã đánh đuổi kẻ thù xâm lược ra khỏi quê cha đất tổ, và thậm chí còn khát khao mãnh liệt, ao ước ngày nước Đức được thống nhất.[68][85] Nước Đức đã được giải phóng toàn vẹn, chủ nghĩa yêu nước truyền thống của dân tộc Đức hòa quyện với chủ nghĩa dân tộc mới mẻ. Tại kinh thành Berlin, nhiều nhà ái quốc Phổ đã chuyển mình thành nhà dân tộc chủ nghĩa.[86] Quân đội Phổ, vốn đã đóng vai trò quyết định cho chiến thắng to lớn tại trận Leipzig này cùng với số phận của Napoléon, sẽ tiếp tục giữ vai trò tương tự cho chiến thắng của khối Liên minh thứ bảy vào năm 1815 trong trận Waterloo[87][88]. Nhờ có hai thắng lợi này, tại Đức, nước Phổ sáp nhập vùng ven sông Rhine, Westfalen và Posen, qua đó thanh toán ba nước chư hầu của Napoléon và trở thành "tên sen đầm của miền Bắc Đức".[62] Trận Leipzig đẫm máu được xem là thắng lợi quyết định nhất của cuộc chiến, cũng như là một trong những trận đánh quan trọng nhất trong lịch sử thế giới[50].[3]. Ngoài ra, theo nhà sử học quân sự Hoa KỳRobert Michael Citino, chiến thắng Leipzig là "trận hợp vây" (Kesselschlacht) đầu tiên trong lịch sử quân sự Đức.[89]

Không những chiến thắng bước ngoặt của quân đồng minh trong trận đánh Leipzig đã đánh đổ đế chế của Napoléon tại Đức mà còn tại Ba Lan[13]. Liên quân ở thời điểm đó tuy đông đảo, nhưng vẫn có những sự bất đồng trong nội bộ giữa các nước với nhau. Nếu Napoléon Bonaparte có thể đại thắng họ như ở trận Austerlitz thì cũng không loại trừ khả năng Liên minh sẽ tan rã.[28] Trước kia, Napoléon đã thắng nhiều cuộc chiến trước các nước có binh lực đông đảo hơn, nhưng giờ đây, ông đã bại trận.[16] Vì vậy tuy trận đánh này không có tính chất quyết định bằng trận Waterloo vào năm 1815, nhưng có thể xem là nó còn trọng đại hơn cả chiến thắng của liên quân Anh - Phổ - Hà Lan tại Waterloo.[50] Theo tác giả Peter Hofschroer, thảm họa Leipzig của ông thực sự đã quyết định cho tình hình châu Âu lục địa trong vòng một thế kỷ sau đó, mà thảm bại ở trận Waterloo chỉ là sự củng cố.[90] Thực chất chính Napoléon trong giai đoạn đầu của trận Leipzig đã dựa vào lợi thế nội tuyến để chiến đấu, trong khi các đường ngoại tuyến khiến cho quân đồng minh vốn hay đố kỵ nhau, khó thể liên hợp với nhau mà tác chiến. Thế nhưng, quân số đông đảo của họ đã đè bẹp quân Pháp tại trận Leipzig, tạo nên quả đắng rất lớn dành cho Napoléon.[16][85] Ngoài ra, có thể thấy dù là một tướng giỏi nhưng khi tập trung 18 vạn người tại Leipzig, Hoàng đế Pháp đã không thể kiểm soát một quân số đông đảo như thế.[91] Khi Napoléon lần đầu tiên bước chân vào nghị viện sau khi trở về, ông đã thốt lên rằng: "Một năm trước cả châu Âu đều hành quân cùng chúng ta, giờ thì cả châu Âu đều hành quân chống lại chúng ta."[92] Dù cho Napoléon đã tổ chức thành công cuộc triệt thoái khỏi nước Đức, thất bại này đã chấm dứt sự hiện diện của nền Đế chế thứ nhất Pháp ở bờ đông sông Rhine, đặt dấu chấm hết cho sự bá quyền của tại châu Âu.[13][55] Và, chiến thắng vẻ vang này còn khiến các quốc gia tại Đức gia nhập vào Liên minh. Không những Napoléon vừa mới đại bại tại Leipzig mà quân đội Anh vừa mới giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh tại bán đảo Iberia cũng bắt đầu tiến công miền Nam nước Pháp.[4][80] Jérôme Bonaparte - vua xứ Westfalen do Napoléon lập nên, cũng phải theo chân đoàn quân tàn tạ của ông mà bỏ chạy.[14] Không lâu sau khi liên quân Nga - Áo - Phổ đại thắng tại trận đánh Leipzig, xứ Holland cũng thừa cơ mà giành lại độc lập khỏi Pháp vào tháng 11 năm 1813.[26] Trong khi ba ngày chiến đấu tại Leipzig đã quyết định thất bại của Napoléon tại Đức, các đồn bót của quân Pháp tại Đức cũng sẽ nhanh chóng ra đầu hàng trong thời gian sau đó.[30] Dưới quyền Schwarzenberg, khối Liên minh tận dụng cơ hội này và tấn công mãnh liệt vào chính quốc Pháp trong năm 1814. Kể từ sau đại bại năm 1813, Nhà nước Pháp suy sụp, trong khi chí khí của người Pháp thì bị sụt giảm trầm trọng.[24][93] Napoléon giờ đây đã hoàn toàn lui về thế thủ và số phận của ông đã được quyết định[14][94]. Sau khi quân Pháp bị đánh bại trong trận Paris,[50] Napoléon buộc phải thoái vị và bị lưu đày tới đảo Elba.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trận_Leipzig http://napoleonistyka.atspace.com/French_Order_of_... http://www.leipzig1813.com http://www.napoleonguide.com/battle_leipzig.htm http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://www.napolun.com/mirror/napoleonistyka.atspa... http://digital.ub.uni-duesseldorf.de/dfg/content/t... http://www.voelkerschlacht-bei-leipzig.de/